Review sách Cách của Dentsu – Korato Sugiyama Tim Andree

 Cách của Dentsu là cuốn sách không còn xa lạ với phần lớn những người học tập, làm việc trong lĩnh vực truyền thông marketing. Sách được viết bởi tác giả Korato Sugiyama, Tim Andree và nhóm Dẫn dắt Thay đổi của Dentsu.

Cuốn sách này được ra đời nhằm mục đích chia sẻ với độc giả các ý tưởng và giải pháp do tập đoàn Dentsu đã và đang đề ra nhằm cung cấp những gợi ý hữu ích cho tương lai vì chúng ta đang ở thời đại mà tình hình kinh tế luôn gắn liền với những thay đổi đột xuất và khó đoán như hiện nay.

Khái quát về nội dung cuốn sách

  • Phần 1 – Dentsu hình thành và phát triển: Mô tả sự phát triển của công ty, từ thời điểm thành lập năm 1901 đến “chiều rộng và chiều sâu” của Dentsu ngày nay.
  • Phần 2 – Nguyên tắc của Truyền thông Dẫn dắt: Mô tả tầm quan trọng ngày càng cao của Truyền thông Dẫn dắt như một bộ phận trong Thiết kế Truyền thông tích hợp. Phần này trình bày mô hình AISAS về phản ứng của người tiêu dùng và các yếu tố then chốt trong những chiến dịch marketing Truyền thông Dẫn dắt.
  • Phần 3 – Ứng dụng Dẫn dắt Thay đổi vào thực tiễn: Trình bày chi tiết hơn các thiết kế chiến lược và chiến thuật của Truyền thông Dẫn dắt với nhiều ví dụ minh họa và các công cụ để thiết kế, thực thi và đo lường hiệu quả của các chiến dịch Dẫn dắt Thay đổi.

Ngoài ra cuốn sách còn bao gồm Lời bạt (phụ lục về kết quả khảo sát hành vi Truyền thông Dẫn dắt; Các giải thưởng dành cho tập đoàn Dentsu; Tiểu sử những người đóng góp chủ chốt tại Dentsu), Tài liệu tham khảo và thông tin về các tác giả.

 “Cách của Dentsu” là gì?

Đấy chắc chắn sẽ là điều đầu tiên độc giả định ra trong đầu khi nghe tới nó. Cách của Dentsu ở đây chính là cách thức làm việc của công ty Dentsu. Cụ thể đó là sự kết hợp toàn diện của văn hóa và triết lý, của trải nghiệm khách hàng và các nguyên lý cụ thể ảnh hưởng đến từng cá nhân, tổ chức và chi phối toàn bộ tổ chức đó. Hoặc theo một cách định nghĩa, giải thích ngắn gọn, dễ hiểu nhằm giúp khách hàng, chuyên gia trong ngành và thậm chí là đối thủ nắm bắt được thì các tác giả đã viết: Cách của Dentsu chính là cách mà chúng tôi đóng góp cho lĩnh vực ngành nghề của mình”.

Mỗi một công ty thành công đều phải có triết lý của chính mình. Và triết lý của Dentsu chính là “Cải tiến tốt đẹp” (Good Innovation). Điều này có nghĩa là sự cải tiến theo cách thức mới lạ, sáng tạo, sử dụng các công nghệ mới, đột phá để tạo giá trị cho người tiêu dùng và xã hội. Khi nghe cải tiến tốt đẹp có thể chúng ta chỉ nghĩ đến công nghệ nhưng với Dentsu, triết lý doanh nghiệp được dựa trên ba trụ cột là: Ý tưởng – Công nghệ – Tinh thần doanh nhân. Theo đó: Ý tưởng vượt sức tưởng tượng – Công nghệ vượt mọi giới hạn có thể – Tinh thần doanh nhân vượt mức mong đợi.

Review sách Cách của Dentsu - Korato Sugiyama Tim Andree

Văn hóa làm việc của Dentsu?

Theo quan điểm cá nhân, khi quyết định ứng tuyển vào một công ty, em luôn chú trọng và tìm hiểu thật kỹ về văn hóa làm việc của cơ quan/tổ chức đó. Điều này thực sự quan trọng hơn rất nhiều so với mức lương mà em sẽ nhận được cho sự đóng góp của mình. Em nghĩ, không khí và tinh thần của nhân viên có ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc mà nhân viên đó phụ trách. Chính vì vậy, khi đọc cuốn sách này, điều khiến em ấn tượng và quan tâm hơn cả đấy chính là văn hóa làm việc của Dentsu. Cụ thể là:

Thứ nhất, nhân viên khi gia nhập Dentsu đều phải tham gia một chuyến leo núi lên đỉnh Phú Sĩ cao khoảng 3.600m để chứng minh lòng quyết tâm và tinh thần đồng đội. Kể từ năm 1925, hành trình này đã trở thành một dấu ấn độc đáo theo “Cách của Dentsu”.

Thứ hai, nhân viên của Dentsu thực sự tự do, không bị áp đặt theo một khuôn mẫu nào có sẵn. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tự thể hiện bản thân, mỗi nhân viên được tự chọn một màu sắc riêng cho tấm danh thiếp của mình từ bảng màu với hơn 100 sự lựa chọn.

Thứ 3, một Dentsu tự đánh giá. Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Dentsu vẫn vô cùng tự hào về di sản, những cải tiến, ý tưởng, công nghệ và tinh thần doanh nhân của mình. Ngày nay, Dentsu là một trong những công ty có sức thu hút cao hàng đầu trên thị trường lao động tại Nhật Bản. Nhưng những con người của Dentsu không bao giờ cho phép mình tự mãn và ngủ quên trên chiến thắng. Dentsu đang nỗ lực từng ngày để trở thành một trong những sự lựa chọn tốt nhất trên toàn thế giới.

Vậy thế nào là “Truyền thông Dẵn dắt?”

Bên cạnh đó, khi đọc “Cách của Dentsu”, em còn có cơ hội tìm hiểu về “Truyền thông Dẫn dắt”. Một trong những vấn đề mà hiện nay các doanh nghiệp thường gặp phải đấy là làm thế nào để có thể truyền đạt hiệu quả thông điệp đến khách hàng cũng như tiếp cận tối đa công chúng mục tiêu. Dentsu đã nghiên cứu, phân tích và chỉ ra rằng do thời đại thông tin tràn ngập, nhiều người cố ý hay vô tình tạo nên rào cản thông tin. Thực tế cho thấy họ chỉ tập trung quan tâm vào vấn đề, thông tin mình đang tìm kiếm. Khi tìm hiểu nguyên nhân của những rào cản thông tin này, nhóm tác giả thấy có ba vấn đề chính như sau:

  • Dung lượng thông tin ngày càng tăng nhanh
  • Người tiêu dùng hiện nay đang bắt đầu chủ động tìm kiếm thông tin
  • Ngày càng khó khác biệt hóa sản phẩm

Do đó, Truyền thông Dẫn dắt – sự vận dụng khôn khéo nhiều hình thức truyền thông theo cách thức có tính toán kỹ để truyền đạt thông điệp marketing được xem là cách đưa họ ra khỏi rào cản thông tin này. Là một trong những công ty quảng cáo lớn nhất và thành công nhất thế giới, Dentsu đã tiên phong khởi xướng chiến lược Truyền thông Dẫn dắt. Tuy nhiên, tại Dentsu, khái niệm này được hiểu theo một cách cụ thể hơn, đó là việc tạo ra các tình huống nhằm dịch chuyển đối tượng.

Như đã trình bày ở trên, Truyền thông Dẫn dắt tạo ra tình huống để dịch chuyển đối tượng. Tuy nhiên, tình huống không phải là thứ có sẵn mà cần phải xuất phát từ ý tưởng cốt lõi (chủ đề chính của chiến dịch) được thiết kế nhằm chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Hay nói cách khác, trọng tâm của chiến dịch Truyền thông dẫn dắt đấy chính là ý tưởng cốt lõi. Để thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, ý tưởng đó tối thiểu phải “thú vị”, “mới lạ” và “độc đáo”. Trong đó, “mới lạ” chính là yếu tố quan trọng nhất.

Ngoài ra, để tạo hình thức và mang lại sức sống cho ý tưởng cốt lõi thì cần tạo ra một khung mẫu ý tưởng để dẫn dắt toàn bộ chiến dịch, tức là phải có tình huống cụ thể nhằm dịch chuyển đối tượng – ý tưởng tình huống. Ý tưởng tình huống liên quan đến ba yếu tố then chốt, đó là:

  • Các điểm tiếp xúc – Sự kết nối giữa người tiêu dùng và thương hiệu
  • Thông điệp
  • Phương pháp luận Tâm lý

Từ mô hình AIDMA đến mô hình AISAS

Trong cuốn sách này, nhóm tác giả đã trình bày về hành vi người tiêu dùng và cụ thể là những thay đổi của hành vi đã buộc người ta phải có cái nhìn mới về những mô hình phản ứng kiểu cũ của người tiêu dùng – mô hình AIDMA:

Chú ý – Quan tâm – Mong muốn – Ghi nhớ – Hành động.

Sự chuyển biến trong phản hồi của người tiêu dùng đã hình thành nên cơ sở nền tảng cho Truyền thông Dẫn dắt ngày nay.

AIDMA là mô hình tuy đơn giản mà hiệu quả đối với dạng quảng cáo truyền thống cho các sản phẩm với mục đích thực sự chỉ là làm cho người tiêu dùng chọn thương hiệu của mình, trong số rất nhiều lựa chọn khả thi khác. Mô hình này giả định rằng thông tin do công ty cung cấp qua quảng cáo là tất cả những gì người tiêu dùng cần có, và mục đích chính yếu ở đây là làm sao để họ nhớ đến thương hiệu và những cam kết thương hiệu khi họ mua hàng. Điều này có thể tốt đối với một số công ty trong trường hợp người tiêu dùng chỉ biết được thông điệp quảng cáo chứ ít có khả năng tìm hiều thêm về sản phẩm trước khi mua. Tuy nhiên, trong thời đại Internet, mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin và chúng ra đã thấy cái gọi là “sự chủ động tìm kiếm thông tin” đang phát triển mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là sau khi tiếp xúc với sản phẩm dịch vụ hay quảng cáo thì người tiêu dùng chủ động đào sâu hơn và chia sẻ các thông tin lý thú mà họ thu được. Bên cạnh thông tin từ công ty gửi đến người tiêu dùng, bản thân hai hành vi của người tiêu dùng là tìm kiếm và chia sẻ thông tin cũng trở thành những yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng.

Từ những thay đổi trong mô hình thông tin này, Dentsu đã minh chứng một mô hình hành vi tiêu dùng mới có tên AISAS:

Chú ý – Quan tâm – Tìm kiếm – Hành động – Chia sẻ

Mô hình AISAS đã phát triển từ thế giới mới của truyền thông đa phương tiện và truyền thông trực tuyến. Truyền thông Dẫn dắt ngày càng được thừa nhận là cách thức mới để làm marketing hiệu quả trong môi trường tiến bộ và phức tạp hơn như hiện nay.   

Ngoài kiến thức bổ ích phục vụ trực tiếp cho ngành nghề của bản thân, cuốn sách còn đặc biệt để lại trong em những bài học quý giá, những bài học mang tính “đời” để nhắc nhở bản thân về ý thức, thái độ, tác phong trong học tập và làm việc.

Tuy nhiên, nếu được đóng góp để cuốn sách tốt hơn, em nghĩ từ ngữ sử dụng trong sách (sau khi được dịch từ bản gốc) nên được chọn lọc và thay thế bằng những từ ngữ gần gũi, dễ hiểu hơn; giảm bớt tính trang trọng, hàn lâm để dễ dàng tiếp cận với đông đảo công chúng. Thêm vào đó, những hình ảnh, biểu đồ cũng nên thiết kế với kích thước lớn hơn, font chữ rõ ràng hơn để độc giả tiện theo dõi.

 

Bình Luận

comments